10 Cách Dạy Trẻ Kiểm Soát Cảm Xúc Hiệu Quả Giúp Trẻ Bình Tĩnh Hơn

Cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến cách trẻ phản ứng với thế giới xung quanh. Khi trẻ học cách nhận diện và điều chỉnh cảm xúc, trẻ sẽ dễ dàng thích nghi với các tình huống khác nhau, xây dựng mối quan hệ lành mạnh và phát triển kỹ năng giao tiếp. 

Tuy nhiên, việc kiểm soát cảm xúc không phải là khả năng bẩm sinh mà cần được rèn luyện qua thời gian. Vì vậy, dạy trẻ kiểm soát cảm xúc là một quá trình quan trọng, giúp trẻ hiểu và điều hòa cảm xúc một cách hiệu quả. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá cách hướng dẫn trẻ nhận diện cảm xúc, kiểm soát hành vi và phát triển sự tự tin trong giao tiếp hàng ngày.

Kiểm Soát Cảm Xúc Là Gì?

giúp trẻ kiềm chế cảm xúc

Kiểm soát cảm xúc là khả năng nhận biết, hiểu và điều chỉnh cảm xúc của bản thân một cách phù hợp với từng tình huống. Đối với trẻ nhỏ, điều này có nghĩa là biết cách biểu đạt cảm xúc một cách tích cực, thay vì phản ứng một cách bộc phát. Khi trẻ học được kỹ năng này, trẻ sẽ có thể phản ứng bình tĩnh hơn trước những tình huống khó khăn, hiểu được cảm xúc của người khác và duy trì sự kết nối với mọi người xung quanh.

Tại Sao Trẻ Cần Học Cách Kiểm Soát Cảm Xúc Từ Nhỏ?

Khi trẻ có thể kiểm soát cảm xúc, trẻ sẽ dễ dàng hòa nhập với môi trường xung quanh, đồng thời phát triển sự tự tin trong giao tiếp. Những trẻ có khả năng điều chỉnh cảm xúc thường biết cách lắng nghe, bày tỏ suy nghĩ một cách hợp lý và thể hiện sự đồng cảm với người khác. Điều này giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ tích cực với bạn bè, thầy cô và gia đình.

Ngoài ra, việc học cách kiềm chế cảm xúc từ nhỏ còn giúp trẻ phát triển khả năng tập trung, kiên nhẫn và tự giải quyết vấn đề. Khi trẻ biết cách đối diện với cảm xúc của mình, trẻ sẽ không cảm thấy quá tải trước những tình huống mới hoặc thách thức trong học tập và cuộc sống.

10 Cách Dạy Trẻ Kiểm Soát Và Làm Chủ Cảm Xúc

Giúp trẻ hiểu và điều chỉnh cảm xúc là một quá trình quan trọng trong sự phát triển của trẻ nhỏ. Khi trẻ học cách nhận diện cảm xúc và phản ứng phù hợp, trẻ sẽ dễ dàng hòa nhập với môi trường xung quanh và phát triển kỹ năng giao tiếp tích cực. Dưới đây là một số cách hỗ trợ trẻ trong hành trình này.

1. Hướng dẫn trẻ nhận diện cảm xúc

Việc đầu tiên để dạy trẻ kiềm chế cảm xúc là giúp trẻ gọi tên cảm xúc của mình. Khi không thể diễn đạt bằng lời, trẻ nhỏ thường thể hiện cảm xúc bằng hành động tiêu cực.

Cha mẹ có thể giúp con bằng cách giới thiệu các từ mô tả cảm xúc như “con đang vui”, “con cảm thấy buồn”, “con đang tức giận” và khuyến khích trẻ nói ra thay vì kìm nén.

Đọc thêm: 10+ Trò Chơi Giáo Dục Cảm Xúc Vui Nhộn Và Hiệu Quả

2. Lắng nghe trẻ

Trẻ sẽ cảm thấy an toàn để bày tỏ cảm xúc nếu cha mẹ biết lắng nghe một cách chân thành.

Khi trẻ cảm thấy khó chịu, thay vì ngăn con khóc hay bảo con im lặng, cha mẹ có thể nhẹ nhàng hỏi: “Bố/mẹ hiểu con đang buồn. Con có muốn kể chuyện gì đã xảy ra không?” Điều này giúp trẻ cảm thấy được lắng nghe và học cách biểu đạt cảm xúc bằng lời nói thay vì hành động.

3. Hướng dẫn trẻ giải quyết vấn đề

Chúng ta công nhận mọi cảm xúc của trẻ nhưng hành vi tiêu cực thì cần được điều chỉnh. Do đó, trẻ cần học cách xử lý cảm xúc một cách lành mạnh.

  • Giúp trẻ bình tĩnh trước khi phản ứng: Khi trẻ tức giận hoặc buồn bã, cha mẹ có thể hướng dẫn con hít thở sâu hoặc tìm một không gian yên tĩnh để trấn tĩnh trước khi bày tỏ cảm xúc.
  • Dạy trẻ các bước giải quyết vấn đề: Khi đối mặt với một tình huống khó chịu, trẻ có thể làm theo các bước:
    1. Nhận diện cảm xúc (Con đang cảm thấy như thế nào?
    2. Xác định nguyên nhân (Điều gì đã khiến con cảm thấy vậy?)
    3. Tìm cách phản ứng phù hợp (Con có thể làm gì để giải quyết tình huống này?)

Ví dụ, nếu một em bé chưa thể nói rõ ràng những cảm xúc của mình đang cảm thấy buồn vì không được món đồ chơi mình muốn, bạn có thể nói: “Con buồn vì không thể chơi món đồ chơi đó nữa đúng không? Vậy mình cùng nhau chọn một món khác nhé.” Cách này giúp trẻ nhỏ cảm thấy được thấu hiểu và an ủi, dù các bé chưa thể diễn đạt cảm xúc như người lớn.

Với những trẻ lớn hơn, bạn có thể thử một cách khác phù hợp hơn. Nếu bé thất vọng vì không được món đồ mình thích, hãy nói: “Mẹ biết con rất muốn món đó. Hay mình ghi lại vào danh sách mong ước nhé, hoặc mình sẽ để dành tiền để mua sau.” Những phản hồi như vậy sẽ giúp trẻ dần học cách đối mặt với sự thất vọng và tìm ra những hướng giải quyết đơn giản.

4. Dạy con tư duy tích cực

Tư duy tích cực giúp trẻ điều chỉnh cảm xúc một cách hiệu quả và phát triển sự tự tin.

  • Hướng dẫn trẻ thay đổi góc nhìn: Khi gặp một tình huống khó khăn, cha mẹ có thể giúp con tìm ra khía cạnh tích cực. Ví dụ, nếu trẻ thất vọng vì không chiến thắng trong một trò chơi, cha mẹ có thể động viên: “Điều quan trọng là con đã cố gắng hết sức và có cơ hội học hỏi được nhiều thứ”.
  • Dạy trẻ sử dụng những câu nói tích cực: Cha mẹ có thể hướng dẫn con những câu động viên bản thân như “Mình sẽ làm tốt hơn lần sau”, “Mình có thể bình tĩnh lại”, “Mọi chuyện sẽ ổn thôi”. Khi trẻ quen với việc suy nghĩ tích cực, trẻ sẽ dễ dàng kiểm soát cảm xúc hơn.

5. Cha mẹ làm gương cho trẻ

Trẻ học hỏi rất nhiều từ cách cha mẹ phản ứng với cảm xúc của chính mình.

  • Thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh: Cha mẹ có thể làm gương bằng cách diễn đạt cảm xúc của mình một cách rõ ràng. Ví dụ: “Bố/mẹ cảm thấy rất vui khi thấy con giúp đỡ bạn bè” hoặc “Bố/mẹ đang buồn vì một chuyện ở công ty, nhưng bố/mẹ sẽ đi dạo để thư giãn một chút”.
  • Thừa nhận khi cha mẹ phản ứng quá mức: Nếu cha mẹ có lúc phản ứng quá mức, hãy thừa nhận sai lầm và sửa chữa bằng cách nói với con: “Bố/mẹ đã quá nóng giận khi thấy cả nhà mình bị trễ giờ, nhưng đó không phải là cách đúng để thể hiện cảm xúc. Lần sau bố/mẹ sẽ hít thở sâu và cố gắng bình tĩnh hơn” Việc cha mẹ thẳng thắn thừa nhận và chia sẻ cách xử lý tốt hơn trong lần sau sẽ giúp trẻ hiểu rằng ai cũng có thể mắc lỗi và quan trọng là biết cách điều chỉnh hành vi của mình.

6. Hoạt động thể chất giúp kiểm soát cảm xúc

hoạt động thể chất giúp kiểm soát cảm xúc

Hoạt động thể chất và vui chơi không chỉ giúp trẻ phát triển thể chất mà còn hỗ trợ kiểm soát cảm xúc hiệu quả. Khi vận động, cơ thể giải phóng endorphin, hormone giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và lo âu. 

Việc cho trẻ tham gia các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, thể dục dụng cụ, múa, v.v. sẽ giúp trẻ giúp trẻ duy trì sự năng động, đồng thời học hỏi tinh thần đồng đội và tự cân bằng tâm trạng. Ngay cả những hoạt động ít tính cạnh tranh hơn như bơi lội hay yoga cũng có thể mang lại hiệu quả thư giãn. Bên cạnh các hoạt động thể chất, việc chơi sáng tạo như vẽ, nặn đất sét hay lắp ghép cũng là cách hiệu quả để trẻ thể hiện và điều chỉnh cảm xúc của mình.

7. Khen ngợi và động viên trẻ đúng cách

Một trong những cách dạy trẻ kiểm soát cảm xúc chính là khuyến khích và khen ngợi khi trẻ có phản ứng tích cực với cảm xúc của mình. Điều này giúp trẻ nhận thức rõ hơn về hành vi đúng đắn và có động lực để duy trì nó.

Ví dụ, nếu trẻ cảm thấy tức giận nhưng biết cách bình tĩnh lại thay vì hét lên, hãy nói: “Mẹ thấy con rất giỏi khi có thể hít thở sâu và bình tĩnh lại. Con đã làm rất tốt!”

8. Giúp trẻ lên kế hoạch đối phó với cảm xúc

Hãy giúp trẻ chuẩn bị trước cách ứng phó với cảm xúc bằng cách lập một danh sách các hoạt động mà trẻ có thể làm khi cảm thấy buồn, giận dữ hay lo lắng. Bạn có thể cùng con viết ra những phương pháp giúp con cảm thấy tốt hơn, chẳng hạn như:

  • Vẽ tranh hoặc tô màu
  • Ôm một chú gấu bông yêu thích
  • Nghe nhạc yêu thích
  • Thực hiện bài tập hít thở sâu

Hãy để trẻ tự đưa ra các ý tưởng và chọn ra những cách phù hợp nhất với bản thân. Khi trẻ bình tĩnh, bạn có thể nhắc nhở con về danh sách này để giúp con áp dụng vào thực tế.

9. Chơi nhập vai giúp kiểm soát cảm xúc

Nói về cách kiểm soát cảm xúc thôi chưa đủ, trẻ cần thực hành để ghi nhớ và áp dụng hiệu quả. Một trong những phương pháp hay là đóng vai các tình huống khác nhau để trẻ làm quen với cách xử lý cảm xúc.

Ví dụ, bạn có thể cùng trẻ đóng vai khi thua một trò chơi và hướng dẫn trẻ phản ứng đúng cách: “Con thử nói: ‘Lần sau con sẽ cố gắng hơn’ thay vì tức giận nhé!”

Việc thực hành nhiều lần sẽ giúp trẻ có phản xạ tốt hơn khi gặp tình huống thực tế.

10. Đọc sách, truyện về kiểm soát cảm xúc cùng trẻ

Đọc sách là một cách tuyệt vời giúp trẻ hiểu về cảm xúc và học cách xử lý chúng một cách nhẹ nhàng. Các câu chuyện với nhân vật có tình huống tương tự sẽ giúp trẻ dễ dàng đồng cảm và rút ra bài học.

Bạn có thể chọn những cuốn sách về cảm xúc phù hợp với độ tuổi của con, chẳng hạn như:

  • Bộ 4 sách “Phát Triển Cảm Xúc”: Những câu chuyện về chú Nhím, Mana, chú Ốc Sên và chú Ếch không chỉ thu hút trẻ nhờ hình minh họa dễ thương, mà còn giúp trẻ học cách nhận biết và chấp nhận cảm xúc một cách tự nhiên.
  • Bộ sách “Những cảm xúc quan trọng của bé” (Tác giả Janet Rose) Gồm 6 cuốn xoay quanh các cảm xúc cơ bản như buồn, tức giận, lo lắng, hạnh phúc… Bộ sách này được biên soạn với ngôn ngữ gần gũi và hình ảnh sinh động, phù hợp với tâm lý trẻ nhỏ.
  • Các sách Ehon Nhật Bản nói về cảm xúc: Loạt sách Ehon dành cho trẻ nhỏ rất được ưa chuộng tại Việt Nam vì nội dung nhẹ nhàng, dễ hiểu, giúp bé bước đầu làm quen với thế giới cảm xúc thông qua các nhân vật đáng yêu và tình huống gần gũi.

Khi đọc sách cùng con, hãy đặt câu hỏi như:

  • “Con có bao giờ cảm thấy giống nhân vật này không?”
  • “Nếu con ở trong tình huống đó, con sẽ làm gì?”

Việc này sẽ giúp trẻ học hỏi và áp dụng cách kiểm soát cảm xúc vào cuộc sống hàng ngày.

Những Lưu Ý Khi Dạy Trẻ Kiểm Soát Cảm Xúc

lưu ý khi dạy trẻ kiểm soát cảm xúc

1. Kiên nhẫn và thấu hiểu khi trẻ bùng nổ cảm xúc

Khi cảm xúc của trẻ bùng nổ, cha mẹ không nên vội vàng can thiệp hay khuyên con phải kiềm chế cảm xúc ngay lập tức. Hãy để con thể hiện cảm xúc một cách tự nhiên mà không bị phán xét. 

Nếu trẻ đang cáu kỉnh, hãy ở bên cạnh và giữ bình tĩnh, không nên cố gắng trò chuyện khi con vẫn còn mất kiểm soát. Chỉ cần an ủi, ôm con nếu cần và chờ cho đến khi con bình tĩnh lại để cùng tìm hiểu nguyên nhân khiến con buồn bực.

2. Công nhận cảm xúc của trẻ

Việc công nhận cảm xúc của trẻ giúp con cảm thấy an toàn và được thấu hiểu để có thể dễ dàng học cách điều chỉnh cảm xúc của mình hơn. 

Ví dụ: “Mẹ hiểu rằng con buồn vì bà đã về nhà rồi đúng không? Mẹ cũng buồn, bây giờ mẹ sẽ cùng con vẽ tranh tặng bà nhé!” 

Đôi khi, sự tức giận có thể xuất phát từ cảm giác thất vọng hoặc bị chối bỏ cảm xúc. Khi cha mẹ xác nhận và đồng cảm với cảm xúc của con, trẻ sẽ học cách thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh hơn.

3. Điều chỉnh kỳ vọng phù hợp

Cha mẹ không nên mong đợi trẻ luôn kiểm soát cảm xúc một cách hoàn hảo, đặc biệt trong những tình huống mới như thay đổi môi trường học hoặc lịch trình sinh hoạt mới. Khi đối diện với áp lực lớn, trẻ cần thêm sự hỗ trợ từ người lớn thay vì bị yêu cầu phải tự kiềm chế cảm xúc ngay lập tức. Hãy nhớ rằng, trẻ cần thời gian để học hỏi và thực hành các kỹ năng kiểm soát cảm xúc theo từng giai đoạn phát triển.

4. Kiểm soát cảm xúc là một hành trình dài

Dạy trẻ kiểm soát cảm xúc không phải là một quá trình diễn ra trong ngày một ngày hai. Hầu hết trẻ sẽ dần biết cách điều chỉnh cảm xúc khi bước vào độ tuổi tiểu học, nhưng các kỹ năng như lập kế hoạch, tổ chức, giải quyết vấn đề và kiểm soát hành vi vẫn tiếp tục phát triển đến khi trưởng thành. Cha mẹ nên nhớ rằng sự phát triển cảm xúc là một hành trình dài và cần có sự đồng hành và hỗ trợ từ người lớn.

Giúp Trẻ Kiểm Soát Cảm Xúc Hiệu Quả Cùng La Petite Ecole Hồ Chí Minh

dạy trẻ kiềm chế cảm xúc

Việc dạy trẻ kiểm soát cảm xúc không chỉ giúp các em phát triển khả năng tự điều chỉnh mà còn xây dựng nền tảng vững chắc cho sự thành công trong học tập và cuộc sống. Khi trẻ hiểu và quản lý tốt cảm xúc của mình, các em sẽ tự tin hơn trong giao tiếp, hợp tác tốt hơn với bạn bè và biết cách giải quyết vấn đề một cách tích cực.

Tại Trường Quốc Tế La Petite Ecole Hồ Chí Minh, chúng tôi không chỉ tập trung vào việc cung cấp kiến thức mà còn chú trọng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, bao gồm cả kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Thông qua môi trường học tập thân thiện, các hoạt động vui chơi sáng tạo và sự hướng dẫn tận tâm từ đội ngũ giáo viên, trẻ được khuyến khích bày tỏ cảm xúc, học cách điều chỉnh hành vi và phát triển sự tự tin trong các tình huống khác nhau.

Hy vọng rằng bài viết đã mang đến cho quý phụ huynh những thông tin hữu ích trong hành trình cùng con rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Nếu quý phụ huynh quan tâm đến chương trình giáo dục tại La Petite Ecole Hồ Chí Minh, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay:

  • Số điện thoại: 028 3519 1521
  • Email: contact@lpehochiminh.com
  • Địa chỉ: 172 – 180, Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Quận 2, Hồ Chí Minh